Chuẩn Bị 1 Tháng Trước Khi Mang Thai
Bệnh cúm cực kỳ nguy hiểm với phụ nữ mang thai, có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp đe dọa nguy cơ thai kỳ, sinh non, trẻ bị dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, sứt môi, dị tật ống thần kinh, bất thường tim mạch, trẻ sinh ra thấp bé nhẹ cân… Chủ động tiêm vắc xin cúm trước khi mang thai hoặc sau tam cá nguyệt thứ nhất là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, bảo vệ cả mẹ và con khoẻ mạnh, an toàn. Vậy, phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai bao lâu? Tiêm vắc xin cúm trong thai kỳ được không? Cần lưu ý những gì trước khi tiêm?
Lưu ý khi tiêm ngừa cúm trước khi có thai
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả tiêm ngừa đạt mức tối ưu, phụ nữ tiêm vắc xin ngừa cúm trước khi mang thai cần lưu ý:
Phụ nữ tiền mang thai cần tìm hiểu trước các thông tin cơ bản về loại vắc xin, thông tin thành phần, tác dụng, hiệu lực bảo vệ, các tác dụng phụ có thể gặp phải, lịch tiêm… để có thể đưa ra các quyết định tiêm chủng thông thái, có cơ sở để đối chiếu với các thông tin được cung cấp từ nhân viên y tế khi tiêm chủng, đảm bảo quyền lợi tiêm chủng tối đa.
Tiêm đầy đủ các vắc xin quan trọng trước và trong thai kỳ
Bên cạnh vắc xin cúm, phụ nữ cũng cần tiêm thêm nhiều loại vắc xin quan trọng khác theo chỉ định của bác sĩ như vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella, thủy đậu tiêm tốt nhất 3 tháng trước mang thai, bạch hầu – ho gà uốn ván có thể tiêm trước hoặc trong thai kỳ, vắc xin ngừa viêm gan A, B, vắc xin phòng các bệnh lý do HPV, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não do não mô cầu cần hoàn thành phác đồ trước mang thai tốt nhất 1 tháng…
Tiêm vắc xin cúm cho cả gia đình
Ngoài việc tiêm vắc xin cúm cho phụ nữ trước khi mang thai, người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng cũng cần tiêm vắc xin cúm, bởi tần suất chăm sóc phụ nữ mang thai của người chồng cao, khoảng cách tiếp xúc gần gũi, nguy cơ mang mầm bệnh từ nơi làm việc nhà nhà, trở thành nguồn lây nhiễm cúm cho cả phụ nữ mang thai và cho trẻ sơ sinh sau này.
Tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm trước khi mang thai
Cúm là bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp với biểu hiện ban đầu là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho. Cúm không chừa một ai, bất cứ ai cũng đều có thể trở thành “nạn nhân” của cúm, đặc biệt phụ nữ mang thai là đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ trở nặng, biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân là khi mang thai cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm, rối loạn nội tiết, khả năng miễn dịch suy yếu, sức đề kháng với bệnh tật kém nên dễ lây mầm bệnh từ người khác, nhất là với những thai phụ vốn có sức khỏe yếu.
Khi phụ nữ mang thai mắc cúm, đặc biệt là ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, bệnh sẽ biến biến rất nghiêm trọng, thai phụ thường lâu khỏi hơn, cộng với sự suy nhược sức khỏe do thai kỳ, cơ thể trở nên mệt mỏi, ăn không ngon, khó ngủ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nguy cơ cao xảy ra các biến chứng như sảy thai, thai chết lưu, sinh non, thai nhi dị tật (như hở hàm ếch, tật tim bẩm sinh…), chậm phát triển về thần kinh và vận động. (1)
Nguy hiểm hơn, sự suy giảm miễn dịch trong thời kỳ mang thai khiến phụ nữ trở thành những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm trùng đồng thời cùng lúc nhiều tác nhân gây bệnh ngoài cúm (đồng nhiễm) hoặc sau khi nhiễm cúm khiến cơ thể bị suy yếu hơn, lại tiếp tục nhiễm thêm các tác nhân khác (bội nhiễm), làm kéo dài thời gian bệnh, gia tăng nguy cơ biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong do cơ thể bị “tàn phá” bởi nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau.
Đồng thời, việc đồng nhiễm, bội nhiễm cúm với các tác nhân gây bệnh khác trong giai đoạn mang thai gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán do có thể các tác nhân cùng gây triệu chứng khác nhau, hình thành rào cản lớn cho điều trị.
Theo các chuyên gia, tiêm vắc xin cúm là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và an toàn cho phụ nữ mang thai, giúp giảm 72% tỷ lệ nhập viện liên quan tới bệnh cúm, giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 25% tỷ lệ sinh non, giảm 72% nguy cơ trẻ nhũ nhi (< 6 tháng tuổi) nhập viện do cúm và 29% tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Một nghiên cứu năm 2013 về hiệu quả của vắc xin cúm trong việc ngăn ngừa bệnh do virus cúm gây ra ở phụ nữ mang thai trong mùa cúm 2010 – 2011 và 2011 – 2012 trên mẫu dân số hai khu vực đô thị ở California và Oregon (Mỹ) cho thấy, việc tiêm ngừa vắc xin cúm trong 2 mùa cúm trên đã làm giảm đến 50% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai.
Một nghiên cứu khác vào năm 2018 về hiệu quả của vắc xin cúm trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện do cúm khi mang thai trong giai đoạn 2010 – 2016, dựa trên dữ liệu y tế của Úc, Canada, Israel và Hoa Kỳ cho thấy, tiêm phòng cúm giúp giảm 40% nguy cơ nhập viện vì cúm ở phụ nữ mang thai, giúp bảo vệ trẻ sau khi sinh ra được khỏi bệnh cúm và tình trạng nhập viện liên quan đến cúm trong vài tháng đầu sau khi sinh, khi trẻ còn quá nhỏ để tiêm vắc xin nhờ có khả năng truyền miễn dịch thụ động từ mẹ sang con.
Chính vì thế, tiêm phòng cúm trước khi mang thai là việc làm vô cùng cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tỷ lệ mắc, biến chứng, bảo vệ sức khỏe thai kỳ, giúp quá trình “vượt cạn” thuận lợi, thành công.
Chưa tiêm vacxin cúm trước khi mang thai có sao không?
CÓ THỂ KHÔNG NGUY HIỂM nếu phụ nữ mang thai may mắn không mắc cúm trong thai kỳ hoặc tiêm sớm sau tam cá nguyệt đầu tiên. Vắc xin cúm tứ giá được các tổ chức y tế uy tín toàn cầu như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) khuyến cáo có thể tiêm cho phụ nữ mang thai.
Vì vắc xin phòng cúm là vắc xin bất hoạt, đặc biệt là các loại vắc xin cúm Tứ giá rất an toàn khi tiêm cho cả trẻ em và người lớn, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chính vì thế, ngay cả khi chưa tiêm cúm trước thai kỳ, mẹ bầu hoàn toàn có thể tiêm cúm trong quá trình mang thai, tốt nhất trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.
Vì sao đã tiêm vắc xin cúm trước khi mang thai rồi vẫn bị cúm?
Không chỉ đối với vắc xin cúm, hầu hết các vắc xin đều có tỷ lệ bảo vệ không bao giờ là tuyệt đối 100%, có nghĩa là vẫn có một tỷ lệ nhỏ hệ thống miễn dịch của người tiêm không đáp ứng tốt trong việc tạo ra kháng thể chống lại các thành phần kháng nguyên có trong vắc xin.
Tuy nhiên, nếu người tiêm chẳng may mắc bệnh thì bệnh thường diễn biến rất nhẹ, nhanh chóng phục hồi mà không có biến chứng nặng hay tử vong. Vì thế, mặc dù mắc bệnh sau khi tiêm vắc xin nhưng vắc xin vẫn đảm bảo giá trị bảo vệ sức khỏe người tiêm khỏi nguy cơ bệnh nặng, biến chứng nghiêm trọng, di chứng kéo dài và tử vong.
Bên cạnh đó, đã tiêm vắc xin cúm trước khi mang thai rồi vẫn có thể mắc cúm do cơ thể đã phơi nhiễm với virus cúm trước khi tiêm hoặc khi vừa mới tiêm vắc xin xong. Lúc này, hệ miễn dịch của trẻ chưa kịp sản sinh kháng thể hoặc lượng kháng thể sinh ra chưa đủ để bảo vệ người tiêm khỏi mắc bệnh. Như trên đã đề cập, cần khoảng 2 – 3 tuần sau tiêm thì vắc xin cúm mới phát huy tác dụng.
Trong một số trường hợp, mặc dù đã tiêm vắc xin cúm nhưng không tiêm nhắc lại một mũi hàng năm thì người tiêm vẫn đe dọa nguy cơ mắc bệnh vì virus cúm thay đổi cấu trúc kháng nguyên bề mặt hàng năm, mỗi năm virus cúm lưu hành sẽ khác với virus cúm đang lưu hành trong năm trước.
Do đó, mỗi năm sẽ có một loại vắc xin phòng cúm mới với khả năng bảo vệ người tiêm chống lại các chủng virus cúm đang lưu hành trong năm đó, không mang lại giá trị phòng ngừa cho mùa cúm của năm sau, tức vắc xin cúm chỉ có hiệu lực trong 1 năm.